TRƯỜNG TRUNG CẤP DU LỊCH & KHÁCH SẠN
SAIGONTOURIST

Call 1800 558 827

Quản lý nhà hàng là vị trí đứng đầu, là người đưa ra các quyết định lớn nhỏ, chi phối mọi hoạt động diễn ra trong nhà hàng. Công việc của quản lý nhà hàng được đánh giá là khá căng thẳng, nhiều thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị.

Vậy một quản lý nhà hàng sẽ có những nhiệm vụ gì? Hãy cùng Trường Saigontourist tìm hiểu về công việc thú vị này trong bài viết dưới đây nhé!

Khám phá Công việc của 1 quản lý nhà hàng

Quản lý nhà hàng là gì?

Quản lý nhà hàng là một thuật ngữ khá quen thuộc với chúng ta. Công việc chính của một quản lý nhà hàng là điều hành tất cả các bộ phận của nhà hàng, bao gồm: quản lý, sắp xếp, tổ chức các hoạt động của nhà hàng sao cho khoa học và hiệu quả. Đây cũng là người góp phần quyết định sự thành bại của nhà hàng.

Người quản lý nhà hàng giỏi là người luôn đảm bảo lợi ích hài hòa của 3 bên: nhân viên - khách hàng - nhà hàng. Đồng thời đảm nhận tốt các công việc quản lý nhân sự, quản lý chất lượng dịch vụ, quản lý tài chính, kinh doanh tiếp thị và xử lý khiếu nại của khách hàng.

Quản lý nhà hàng được cho là một công việc nhiều thử thách nhưng cũng rất thú vị.

7 công việc chính của quản lý nhà hàng

Quản lý nhân sự

Quản lý nhà hàng là người chịu trách nhiệm điều động, bố trí, và sắp xếp lịch làm việc cho nhân viên. Đồng thời đôn đốc nhân viên thực hiện theo tiến độ. Ngoài ra, quản lý còn thực hiện chấm công hàng tháng và đánh giá định kì kết quả làm việc của nhân viên.

Quản lý nhân sự

Người quản lý cũng cần luôn theo sát nhân viên bằng cách khích lệ, tạo động lực làm việc cho nhân viên. Và đảm bảo phúc lợi, sức khỏe cho nhân viên.

Quản lý tài chính nhà hàng

Ngoài công việc quản lý nhân sự thì quản lý nhà hàng còn chịu trách nhiệm quản lý tài chính của nhà hàng. Cụ thể:

  • Tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính đã được duyệt. Đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận.
  • Theo thẩm quyền được giao, đại diện ký hợp đồng cung ứng với các nhà cung cấp cho nhà hàng.
  • Nhận báo cáo thu - chi hằng ngày từ các bộ phận. Kết hợp việc theo dõi, giám sát các báo cáo đó.
  • Phối hợp bộ phận liên quan thực hiện việc thống kê, lập báo cáo tài chính định kì và trình lên cấp trên.

Quản lý hàng hóa

Công việc thu mua hàng hóa và thực phẩm của nhà hàng được giám sát và ký duyệt hàng ngày bởi người quản lý. Người quản lý cũng đảm nhiệm việc xác nhận các yêu cầu xuất kho và xử lý trực tiếp các thực phẩm bị hỏng.

Quản lý hàng hóa

Quản lý tài sản nhà hàng

Với đặc thù của nhà hàng là thưởng sử dụng nhiều công cụ và dụng cụ nhỏ với số lượng lớn. Nên người quản lý cần thường xuyên kiểm tra và theo dõi số lượng vật dụng. Nhằm kịp thời giải trình và báo cáo các trường hợp mất mát và hư hỏng.

Quản lý quy trình kinh doanh và tiếp thị

Kinh doanh, tiếp thị là một hạng mục công việc khác của cấp quản lý. Để nhà hàng hoạt động hiệu quả và được nhiều người biết đến, quản lý nhà hàng cần đảm bảo thực hiện hiệu quả các hoạt động kinh doanh - tiếp thị cho nhà hàng:

  • Tìm nguồn khách sử dụng dịch vụ của nhà hàng.
  • Triển khai và xác minh việc sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu của nhà hàng
  • Phối hợp với bộ phận kinh doanh để xây dựng các chiến dịch tiếp thị và bán hàng
  • Theo dõi khách hàng VIP và khách hàng thân thiết của nhà hàng, cùng các hoạt động chăm sóc khách hàng
  • Tổ chức các hoạt động khuyến mãi theo kế hoạch đã được phê duyệt

Quản lý chất lượng phục vụ

Để quản lý chất lượng phục vụ của nhà hàng dễ dàng, cần thực hiện các việc sau:

  • Dựa vào các tiêu chuẩn đã đề ra giám sát các hoạt động của khối nhà hàng
  • Đảm bảo thực đơn mỗi ngày
  • Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của nhà hàng
  • Tổng kết và báo cáo sự việc hàng ngày cho lãnh đạo cấp trên
Quản lý chất lượng phục vụ

Giải quyết khiếu nại, sự cố từ khách hàng

Quản lý nhà hàng chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết khiếu nại của khách hàng nếu nhân viên không thực hiện được. Đồng thời tổ chức theo dõi, đánh giá sự hài lòng của khách hàng. Và hơn hết là xây dựng, duy trì mối quan hệ với khách hàng thường xuyên, tạo ấn tượng tốt trong mắt khách hàng...

Ngoài ra, quản lý nhà hàng cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp khác theo yêu cầu của cấp trên.

Theo mô tả công việc quản lý nhà hàng, người quản lý cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để giải quyết thành thạo mọi vấn đề. Đặc biệt, họ cần có kinh nghiệm quản lý nhân sự và khả năng giải quyết các khiếu nại từ khách hàng.

Mức lương cho vị trí quản lý nhà hàng hiện nay

“Mức lương của quản lý nhà hàng bao nhiêu” là câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc. Đặc biệt là những ai đang có ý định theo đuổi công việc này.

Đối với những nhà hàng hoạt động độc lập, quản lý nhà hàng được coi là người quản lý tổng thể các hoạt động của nhà hàng. Tùy theo quy mô nhà hàng, vị trí này có mức lương dao động từ 15 - 45 triệu đồng mỗi tháng.

Mức lương cho vị trí quản lý nhà hàng hiện nay

Nếu nhà hàng thuộc khách sạn, quản lý nhà hàng sẽ không chịu trách nhiệm quản lý khu vực bếp. Mức lương hàng tháng cho quản lý nhà hàng tại các khách sạn, resort sẽ vào khoảng 15 đến 20 triệu đồng.

Ngoài lương cơ bản, quản lý nhà hàng tại các khách sạn, resort 4-5 sao sẽ được nhận thêm service charge, tip như nhân viên khách sạn. Hiện tại, mỗi nhân viên khách sạn 5 sao sẽ kiếm được khoảng 3 đến 4 triệu đồng tiền phí dịch vụ/tháng.

Tiết lộ thêm cho bạn là ở các vị trí “tiền quản lý” như giám sát nhà hàng hay trưởng ca, mức lương cho các vị trí này sẽ thấp hơn. Thường dao động từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề và số năm kinh nghiệm.

Kết luận

Trên đây là bài viết giới thiệu về các công việc chính của quản lý nhà hàng mà Trường Saigontourist vừa giới thiệu đến bạn. Ngoài ra vẫn còn những nhiệm vụ nhỏ khác mà người quản lý phải đảm nhận.

Hi vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu hơn về nghề quản lý nhà hàng. Đồng thời có thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Chúc bạn may mắn với công việc của mình!

0/5 (0 votes)
Liên Hệ