TRƯỜNG TRUNG CẤP DU LỊCH & KHÁCH SẠN
SAIGONTOURIST

Call 1800 55 88 27

TP.HCM xác định du lịch ẩm thực là hướng đi tiềm năng. Tuy nhiên, muốn loại hình du lịch này phát triển hơn nữa cần siết chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra lực lượng đầu bếp có tâm, có tầm góp phần đưa ẩm thực quê hương vươn xa.

Media\1_STHCHOME\FolderFunc\202507\Images/32-1-1-20250716094938-e.jpg
 

Ẩm thực phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm 

Ẩm thực phải đảm bảo an toàn

Theo chuyên gia ẩm thực Nguyễn Hồ Tiếu Anh, hiện nay du lịch Việt Nam rất phát triển, thu hút du khách mọi nơi trên thế giới đến tham quan, trải nghiệm. Tại TP.HCM, ngành du lịch sôi động, nhiều công trình, kiến trúc cùng nền ẩm thực phong phú đã tạo dấu ấn riêng, không nơi nào có được. “Ẩm thực TP.HCM không giống những nơi khác vì là nơi tập trung món ăn của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, ẩm thực đường phố phát triển nhất, tạo cơ hội để phát triển loại hình du lịch ẩm thực tại TP”, bà Tiếu Anh khẳng định.

Bà Tiếu Anh cho rằng, trong phát triển du lịch ẩm thực vấn đề cần đáng quan tâm nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi du khách đi chơi không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp, tìm hiểu văn hóa mà còn phải ăn. Nếu thực phẩm không an toàn, không sạch, du khách ăn vào sẽ bị đau bụng hay gặp những vấn đề khác thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của ẩm thực TP.

Theo bà, để du lịch ẩm thực phát triển hơn nữa, ngành du lịch  TP cần chú trọng chất lượng món ăn. Món ăn không chỉ đẹp, bắt mắt mà còn phải an toàn vệ sinh thực phẩm. “TP cần kết hợp với sở, ngành liên quan siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi đảm bảo được vấn đề này du khách sẽ an tâm thưởng thức ẩm thực, nhất là đối với du khách quốc tế”, bà Tiếu Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông du lịch ẩm thực cần đẩy mạnh. Ngoài các kênh truyền thống như: Tờ rơi, tờ bướm, TP giới thiệu ẩm thực trên TikTok, những buổi workshop, tổ chức “food tour” để du khách đến có thể tham gia, trải nghiệm, thậm chí bắt tay vào chế biến món ăn Việt Nam ngay tại TP. Trong “food tour”, chúng ta trang bị cho du khách đội ngũ hướng dẫn cách nấu món ăn Việt để họ có thể tự nấu, tự ăn và tự cảm nhận. Trong quá trình du khách thưởng thức món ăn, chúng ta có thể kể những câu chuyện liên quan đến món ăn, kể về truyền thống của Việt Nam đối với ẩm thực. “Làm được như vậy, du khách không chỉ có được bữa ăn ngon, an toàn mà họ còn có những kỷ niệm đáng nhớ khi đến với TP chúng ta”, bà Tiếu Anh chia sẻ.

Đào tạo đầu bếp chuyên nghiệp

Trong phát triển du lịch ẩm thực, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Nguồn nhân lực không chỉ là hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ mà còn cần những đầu bếp vừa chuyên nghiệp vừa có tâm. Khi có kiến thức, đạo đức trong nghề, đầu bếp sẽ tạo ra những bữa ăn ngon, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho du khách. Công tác đào tạo này đang được nhiều đơn vị, trường học thực hiện. Qua khảo sát cho thấy công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch không chỉ ở lý thuyết mà còn chú trọng vào thực hành. ThS. Võ Thị Mỹ Vân – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist cho biết, là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch với nhiều chuyên ngành như nhà hàng, khách sạn, bếp… nhà trường không chỉ dạy nghề cho người học mà còn tổ chức nhiều cuộc thi, sự kiện, hoạt động cho sinh viên trải nghiệm, thử sức. Nhà trường chú trọng vào thực hành, cho các em “nhìn bằng mắt, sờ bằng tay” để vun đắp tình yêu nghề. “Không chỉ tổ chức cho sinh viên, chúng tôi còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ đang còn trong độ tuổi học sinh đến trải nghiệm để “chạm” vào ước mơ nghề nghiệp. Từ những bước đi đơn giản ban đầu, các em sẽ biết được nghề ra sao, học như thế nào, làm như thế nào để phấn đấu đạt được ước mơ”, ThS. Vân chia sẻ.

Media\1_STHCHOME\FolderFunc\202507\Images/32-2-1-20250716094944-e.jpg

Các em nhỏ trải nghiệm chương trình “STHC’s Junior Master Chef 2025” do Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist tổ chức

Điển hình như mới đây, Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist đã tổ chức chương trình “STHC’s Junior Master Chef 2025”, mở đầu mùa hè trải nghiệm dành cho học sinh từ 10 đến 17 tuổi có đam mê với nghề bếp và ẩm thực. Chương trình diễn ra từ 30-6 đến 18-7 với 18 buổi học tập trải nghiệm và tham quan doanh nghiệp. Đây không chỉ là lớp học kỹ năng mà còn là không gian trải nghiệm, khám phá bản thân và định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh, truyền cảm hứng từ nghề bếp đến thế hệ trẻ. Chương trình giúp các em rèn luyện kỹ năng chế biến món ăn, sử dụng thiết bị bếp hiện đại, thực hành nghiệp vụ bếp cơ bản. Đồng thời đào tạo cho các em những kỹ năng mềm quan trọng như làm việc nhóm, thuyết trình, xử lý tình huống – những năng lực không thể thiếu trong môi trường bếp chuyên nghiệp.

“Đây là chương trình mùa đầu tiên. Sau chương trình, chúng tôi mong rằng các em sẽ được nâng cao các kỹ năng bếp để có thể mang đến những món ăn ngon cho người thân, gia đình, khám phá được nét đẹp ẩm thực của quê hương, đất nước”, ThS. Vân bày tỏ.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn và Phát triển ẩm thực Việt Nam lưu ý với những đầu bếp trẻ, đam mê ẩm thực phải xuất phát từ cái tâm. “Ở tuổi học sinh muốn sau này trở thành đầu bếp để đóng góp cho nền ẩm thực Việt Nam và đua ngành du lịch ra thế giới, ngay từ bây giờ các em có thể phụ cha mẹ rửa rau, rửa chén, chiên trứng… Những công việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng sẽ tiếp thêm cho các em kiến thức về thực phẩm. Từ đó các em sẽ hiểu rằng, món ăn không chỉ bắt mắt mà còn phải bổ dưỡng, đảm bảo sức khỏe”, bà Sương nhắn gửi.

Theo Hồ Trinh 
TẠP CHÍ GIÁO DỤC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ONLINE

4.6/5 (28 votes)
Xin chào. Anh/chị cần hỗ trợ thông tin gì ah?
Liên Hệ